Chủ động đón làn sóng FDI lần thứ tư

Năm 2023, Việt Nam đã đón nhận một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn nhờ thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế với các đối tác quan trọng và nỗ lực xúc tiến thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

TIN TỨC

7 min read

man holding gray steel frame
man holding gray steel frame

Kết quả này không chỉ tạo nền tảng quan trọng để dòng vốn ngoại tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong năm 2024 mà còn mở ra kỳ vọng về làn sóng FDI thứ tư của thế giới vào Việt Nam.

Tuy nhiên để điều này trở thành hiện thực, công việc trước mắt và lâu dài còn lớn, nhất là trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó lường, đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ, đột phá.

Nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao

Nhắc đến những kết quả ấn tượng trong thu hút FDI năm 2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Ðược đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn cho nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử... Ðáng lưu ý, chất lượng các dự án đầu tư đã có sự cải thiện đáng kể khi 64,2% dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến…

Theo các chuyên gia kinh tế, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới và những nỗ lực thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước chính là lực đẩy giúp làn sóng thu hút FDI lần thứ tư sớm bùng nổ tại Việt Nam.

Trong báo cáo nghiên cứu về kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Ðào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhắc đến kết quả thu hút FDI là một trong những điểm sáng quan trọng góp phần đưa kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét. Thành công đó thể hiện ở sự khởi sắc trong thu hút vốn đầu tư mới và thiết lập kỷ lục mới về vốn thực hiện: Tổng vốn FDI đăng ký năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022 nhờ một số dự án quy mô lớn từ Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc... Giải ngân vốn FDI đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% và là mức cao kỷ lục trong khoảng bảy năm qua. Ðây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh FDI toàn cầu giảm 2%.

"Năm 2023 chúng ta làm rất tốt công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và nhất là nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác chiến lược quan trọng. Chúng tôi thấy đâu đó đã manh nha có làn sóng FDI lần thứ tư vào Việt Nam", TS Cấn Văn Lực nhận định.

Điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư nhận định năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong thu hút dòng vốn FDI. Nguyên nhân do bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng; nhiều quốc gia cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài; các tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.

Hơn nữa, cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia với nguồn lực tốt hơn, có chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài... Trong khi đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp; các ngành cần ưu tiên thu hút, tạo sự phát triển đột phá như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng chưa có cơ chế tương xứng để thu hút đầu tư...

Ðể vượt qua những khó khăn, thách thức này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển trong tình hình mới. Ðồng thời phát huy ngoại lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh, trí tuệ để chủ động thích ứng, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Các nhóm giải pháp chính sẽ ưu tiên tập trung vào nhiệm vụ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, như: Năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, hải quan... Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá liên quan đến các chính sách về tài chính, chứng khoán, tiền tệ; đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.

Trong các nhóm giải pháp ưu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc đến nhiệm vụ sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, bảo đảm niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế-xã hội...